Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017


Quay trở lại với phần phim thứ 8, "Fast & Furious" biết mình phải làm gì: tiếp tục phá xe, chọc cười và không tỏ ra sâu sắc.

Mười sáu năm gắn bó với nghiệp phá xe cùng 7 phi vụ (gần như) bất khả thi và gần 4 tỉ doanh thu mang về tha hồ đếm, Dominic Toretto và đồng bọn đã vượt xa khỏi cái mác "phim hành động" thông thường, thay vào đó biến "Fast & Furious" trở thành một thương hiệu có-số-có-má đối với bất kì một kẻ nào dám vỗ ngực tự nhận bản thân là mê phim ảnh.

Tất nhiên, nổi là như thế, "chuyện đời" của nhóm quái xế cũng chưa bao giờ được xem như một điều gì đó quá ghê gớm và xuất sắc về mặt nội dung, mặc cho đây cũng không phải là một điều đáng quan ngại vì chủ yếu khán giả đi xem phim sẽ là do: 1. Trai/gái đẹp hoặc 2. Những chiếc xe họ không bao giờ mua nổi hoặc 3. Đánh nhau cho vui cửa vui nhà. Năm 2017 chứng kiến sự trở lại của đại gia đình phượt thủ đình đám này, với thông điệp có thể hiểu một cách khá ý nghĩa: Đi thật xa để trở về (xem phim sẽ hiểu).


Bộ phim số 8 với tên gọi được cách điệu (mà ít ai nhớ tới) là The Fate of the Furious bắt đầu bằng kì nghỉ trăng mật của Dom và Letty nơi Cuba nắng gió mộng mơ nhưng cũng ăn chơi không kém và lực lượng an ninh giao thông thì không thấy xuất hiện. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, Dominic trong khi bộc lộ lòng tốt bằng cách sửa xe miễn phí cho người khác đã đụng phải búp bê tóc vàng độc ác (Charlize Theron thủ vai), và bởi vì một số lý do xem-phim-sẽ-biết đã quay đầu lại với hội chị em bạn dì thân thiết của mình, khiến họ rơi vào một phen khốn đốn.

Nội dung của phim, vẫn qua tay biên kịch kì cựu Chris Morgan, có thể xem là khá chỉn chu và "đủ dùng", tiếp tục tôn vinh thông điệp ngầm đã được nhắn nhủ và gửi gắm toán loạn qua các phần phim trước: Tình anh em bằng hữu sâu đậm dù trải qua biết bao gian nan sóng gió bão bùng biển lớn vẫn luôn bền chặt và nếu có kẻ nào giở chứng muốn phá hoại cái tình anh em đó thì kẻ này sẽ bị cả nhóm hành cho sấp mặt.


The Rock tiếp tục trở thành một trong những "cây hài" của phim
Tuy kịch bản không đặt nặng yếu tố tình cảm diễm lệ sướt mướt cũng như cố gắng tỏ ra sâu sắc, bản thân Fast 8 lại đem về cho người xem một cảm giác khá hợp lý về mặt kết cấu cũng như nội dung. Có một chút tình thương mến thương, có một chút xót xa, có một chút bàng hoàng, có kha khá tiếng cười và có rất rất nhiều các pha hành động.

Ác nhân chính của phim, được biết đến với nickname đơn giản (Cipher) đem lại cảm giác tác giả chỉ vớ đại một từ liên quan tới chủ đề hacker, tuy được thủ vai bởi nữ diễn viên tài năng từng cầm trên tay tượng vàng Oscar là Charlize Theron và được bố trí cho vài câu thoại sâu sắc, cũng đem lại ấn tượng khá nhạt nhòa cho dù có liếc mắt và cười mỉm bao nhiêu lần trên màn hình to của rạp phim. Lại là một kẻ thông minh, lại là một kẻ muốn "trái đất này là của mình mình", lại là một kẻ… mình thích thì mình ác thôi, Cipher được xếp vào kịch bản có lẽ đơn giản là vì deadline đang cận kề và biên kịch thì đang mải lo đến chuyện nên phá xe nào trong phim.


Như thường lệ, một số nhân vật mới cũng được tiếp tục thêm vào phim. Bên cạnh Cipher, chúng ta được gặp vai diễn tiếp theo của Scott Eastwood – một nhân vật đúng nghĩa được thêm vào chỉ để củng cố cho yếu tố trai đẹp của phim. Ngoài ra, chủ nhân Oscar Helen Mirren và Nauy Kristopher Hivju – nam diễn viên nổi tiếng trong Game of Thrones cũng xuất hiện trong phim với những vai trò cụ thể mà người viết sẽ không đề cập để tránh tiết lộ nội dung.


Xét về mặt hành động (điều mà đại đa số mọi người quan tâm), thì hiển nhiên bộ phim đã đem lại một trải nghiệm thị giác hoàn hảo cho người xem và thậm chí có thể khiến một số bộ phim tự-nhận-là-hành-động khác phải vào góc tường úp mặt 15 phút vì xấu hổ.

Hội chị em bạn dì cốt cán của phim sau mỗi phần lại kéo nhau đi sát phạt ở những địa điểm mới mẻ hơn, và Fast 8 đã ghi điểm xuất sắc khi chọn bối cảnh cho màn "quẩy" lớn nhất là… mặt biển Barent lạnh lẽo đóng băng với sự xuất hiện của tên lửa hạt nhân và tàu ngầm cỡ bự. Điều này dấy lên một câu hỏi nhỏ trong lòng khán giả, rằng phải chăng Fast 9 sẽ đánh bật mọi giới hạn và đưa đường đua lên cấp độ… hệ mặt trời?



Nhắc đến Fast & Furious mà không nhắc đến xe, có lẽ bài viết này sẽ không bao giờ thấy được ánh sáng mặt trời. Theo như chia sẻ từ chính nhà phát hành, thì tổng số tiền bỏ ra cho bộ sưu tập xe của Fast 8 lên tới 17 triệu đô (và nếu như con số 17 triệu có vẻ nhỏ bé đối với bạn, thì nó tương đương 386 tỉ đồng đấy). Tất nhiên, phần lớn những "em bé" này sẽ không sống sót cho tới cuối bộ phim.

2 tiếng 16 phút của Fast 8 là 2 tiếng 16 phút bạn cảm thấy đau đớn khi thấy những chiếc xe hơi không-rẻ-tiền bị phá vụn một cách thô bạo trong chớp mắt như cô đồng nát ngồi đập bẹp vỏ chai nước ngọt.

Không chỉ xe hơi, người xem sẽ còn được chiêm ngưỡng xe tăng, tàu ngầm quân đội và rất nhiều thứ khác hay ho đắt tiền nằm ngoài tầm hiểu biết của người viết. Chỉ biết là, đến cuối phim thì tất cả đều đi ra bãi rác nắm tay nhau hát khúc ca buồn về một đời xe cộ bị đối xử tệ bạc… Hiếm khi nào, bản thân người viết lại thấy cả rạp phim đồng lòng đến vậy. Tất cả mọi người cùng cười khi bị chọc, cùng nín thở khi tới những đoạn gay cấn và cùng phát lên những tiếng rên xé lòng khi nhìn xe đẹp bị đập nát.


Nhìn chung, Fast 8 là một bộ phim khá, với các phân cảnh "động chân động tay" đã thuộc hàng thượng thừa và nội dung thì cũng ở hạng… không nhất thiết phải phàn nàn. Đi đến phần phim thứ 8, ít có thương hiệu phim nào vẫn còn khả năng gìn giữ được chất lượng cũng như mức độ hào hứng của công chúng. Thế nhưng, điều này lại ngược lại với Fast & Furious.

The Fate of the Furious tiếp tục đưa series phim này lên một thành công nữa, giữ vững được sức nóng mang tính "hạt nhân" của mình và dường như khẳng định chắc nịch rằng, thương hiệu này… còn xơi mới hết xăng!
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: