Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017


Có thể nói, "13 Reasons Why" là một trong những series được chú ý nhất hiện nay bởi cách thể hiện độc đáo cùng nội dung đầy nhân văn, mới mẻ phản ánh vấn đề tâm lý của những đứa trẻ vị thành niên.

Được trình làng trên hệ thống xem phim online Netflix cách đây chưa đầy một tháng, bộ phim dài tập 13 Reasons Why, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Jay Asher đã gây ấn tượng mạnh với người xem bởi mức độ chân thật cũng như góc nhìn mới lạ về những vấn đề tâm lý ở lứa tuổi vị thành niên. Qua lăng kính của tác giả, cuộc sống học đường không hề dễ dàng và vui tươi như biết bao nhiêu bộ phim vẫn thể hiện. Thay vào đó, nó chán nản, tàn khốc và nguy hiểm đến tột cùng.


Hannah Baker, một cô bé ngọt ngào, thông minh và xinh xắn đến từ một gia đình tầm trung, đã quyết định rạch cổ tay mình và chấm dứt cuộc sống ở độ tuổi 17. Cô bé là nạn nhân của một nền giáo dục thối nát, của những vấn nạn học đường tưởng chừng đã xưa như trái đất nhưng chẳng bao giờ có hướng giải quyết ngoài những lời cổ động vô giá trị. Trước khi kết liễu bản thân, Hannah quyết định thu âm 13 cuộn băng, mỗi cuộn sẽ nói về một người đã-từng-là-bạn trong cuộc sống của cô bé, và cũng đồng thời là một trong những kẻ đã đẩy Hannah vào bước đường cùng.

Clay, một trong những người cuối cùng nghe cuộn băng và cũng là cậu trai "tử tế" nhất của phim, quyết định không thể để cái chết của Hannah bị chôn vùi trong những bí mật và dối trá. Cậu bé còi cọc và nhỏ thó quyết định tìm đến từng cái tên được Hannah nhắc tới hòng đòi lại công lý, để rồi nhận ra rằng phía sau những câu chuyện trải dài từng thước băng lại là những câu chuyện nữa, và những câu chuyện nữa…


Xuyên suốt bộ phim, nỗi đau của một cô bé 17 tưởng chừng là hấp tấp và khờ dại dần dà bám chặt lấy tinh thần của những người xem phim. Hannah trút lòng mình vào những cuốn băng, và mỗi lời cô bé nói ra đều như một nhát dao sắc lẻm cứa một đường gọn gẽ vào trái tim của người xem.

Một nữ sinh 17 tuổi bị đem ra là trò tiêu khiển cho những ánh mắt thèm muốn của những gã trai trạc tuổi, bị gọi là đĩ điếm và bị xâm hại cả thể xác lẫn tinh thần. Sự cô độc như một con quỷ khát máu, nó ôm trọn và nuốt chửng Hannah vào cái bụng tham lam của nó, rồi hành hạ cô bé với những đớn đau và buồn tủi khi cái xã hội lạnh lùng và bàng quang ấy chẳng thể nào chìa một cánh tay ra để mà cho cô thấy chút hy vọng. Mọi nỗ lực tìm kiếm sự giúp đỡ của Hannah đều vô dụng, và rồi cô bé tự sát.


"Tôi khiến một cô gái mất mạng bởi vì tôi đã quá sợ hãi để có thể yêu cô ấy"
Cuộc hành trình kéo dài 13 tập phim đi vào những hoài niệm của Hannah không dừng lại ở đó mà dần mở rộng, biến thành một cú rơi vô định vào lỗ đen sâu hoắm của những cảm xúc bị ghìm chặt, đè nén và đàn áp của rất nhiều những con người khác. Đó là những cảm xúc "không bình thường", những thứ xấu xí và cần phải giấu đi nếu bạn hay bất kì ai đó mong muốn một cuộc sống "như mơ" nơi học đường.

Ở một nơi mà sự hào nhoáng bên ngoài, từ cái áo bạn mặc, câu chuyện cười bạn kể cho đến việc bạn đã "ngủ" được cùng bao nhiêu người được coi trọng và tôn vinh tuyệt đối, thì không hề có chỗ cho những kẻ buồn bã. Nỗi đau của Hannah, của Jessica, của Clay, của Skye và hằng hà sa số những cô bé cậu bé khác cứ như vậy, bị nhét sâu xuống một góc tối bỏ hoang của tâm hồn, kết dính từng ngày từng ngày và chỉ trực chờ phút giây bùng nổ. Như một cách thiết yếu, những đứa trẻ ấy đi tìm lối thoát cho chính mình. Chỉ tiếc thay, cái chết, lại được coi như là một trong những lựa chọn rõ ràng nhất.


Cách kể truyện của bộ phim xen lẫn giữa hành trình của Clay, những hồi ức của cậu bé cũng như giọng đọc hờ hững và buồn man mác của Hannah. Các cảnh quay xoay vòng, nối tiếp nhau đưa người xem vào từng câu chuyện xé lòng của một cô bé đã chọn đến cái chết.

Bên cạnh đó, diễn xuất của các diễn viên trẻ như Dylan Minnette (Clay), Katherine Langford (Hannah), Alisha Boe (Jessica),… cũng góp phần xuất sắc thể hiện cốt truyện cũng như thông điệp mà bộ phim hướng tới. Ngoài ra, phần âm nhạc của phim được chăm lo khá kĩ bởi lẽ nhà sản xuất chính của phim chính là Selena Gomez. Tất cả đã góp phần tạo nên một trong những series đáng chú ý và hay nhất mùa hè 2017, với cách đề cập táo bạo đến một chủ đề tưởng chừng không tồn tại trên thế gian này.


Xem 13 Reasons Why, không phải là để tò mò kẻ nào đã làm điều gì, càng không phải để phê phán, lên án vấn đề tự tử mà hơn tất thảy, chính là để thấu cảm những đớn đau về mặt tâm hồn của những đứa trẻ còn đang độ tuổi bồng bột, thiếu chín chắn những cũng đầy trắc trở. Cái độ tuổi, mà người lớn thường bàng quang nghĩ đến như một thời vô lo vô nghĩ, một thời "tuổi ô mai" chỉ có nhiệm vụ ăn và học. Từ nạn nhân ít nói cho đến kẻ bắt nạt, luôn luôn đứng đằng sau là một bóng ma vô hình của những kỉ niệm buồn.

Chính vì vậy, sức ảnh hưởng của bộ phim cũng đến chính từ thông điệp và góc nhìn mới mẻ mà nó đem lại, tựa như một tiếng cảnh tỉnh – hay thậm chí là một cái tát đau điếng – vào chính chúng ta. Vào một xã hội nhạt nhòa, lãnh cảm và lúc nào cũng thiếu thốn tình thương.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 nhận xét: